“
Tự học Reading 9.0

Kỹ năng Reading theo mình là kỹ năng tự luyện dễ nhất trong 4 kỹ năng. Tuy nhiên vẫn có một số bạn luyện hoài không lên điểm, hoặc cảm giác như vẫn dậm chân tại chỗ dù giải rất nhiều đề. Dưới đây là những điều mình đã và đang áp dụng để đạt Reading 9.0 từ năm 2020 cho đến nay Mong bài này sẽ giúp các bạn yêu thích Reading hơn và làm bài hiệu quả hơn nhé.

Đối với những bạn đang tìm đường tắt để đạt Reading 8+ mà không phải học từ vựng, điều này có thể khiến bạn thất vọng. Các kỹ thuật, chiến lược làm bài có thể hỗ trợ bạn làm bài nhanh hơn một phần, nhưng nếu bạn muốn đạt đến những mức điểm cao thì cần phải có vốn từ khá tốt. Hãy chỉ cho mình một người đạt 8.5 hay 9 Reading mà có vốn từ ít thử xem nào? Không có ai như thế phải không?!
Vậy thì học từ vựng thế nào cho hiệu quả? Cái này tùy thuộc vào sở thích của các bạn. Có những bạn chép từ vào vở, có bạn dùng flashcard. Cách nào cũng được, chỉ cần đảm bảo rằng bạn ghi chép đầy đủ nghĩa bằng tiếng Anh, cách phát âm, và từ loại; việc bạn muốn ghi chép nghĩa tiếng Việt thêm hoặc ghi thêm ví dụ thì cũng được. Ngoài ra, bạn nên xem lại các từ vựng này để ghi nhớ lâu hơn.
Nguồn học từ vựng ở đâu? Bạn có thể học từ bất kỳ nguồn nào. Tiện nhất là học từ trong chính bài đọc bạn làm luôn. Hãy bắt đầu với một lượng từ vựng vừa phải trước rồi hãy tăng dần sau. Đừng ép bản thân phải học một danh sách từ vựng quá dài ngay từ đầu!
Bên dưới là các từ vựng phổ biến trong lúc giải đề Cam mình tổng hợp lại. Mình xem từ trong bài đọc và cách câu hỏi paraphrase lại các từ đó. Ví dụ như trong bài đọc dùng từ “suitable”, còn trong câu hỏi dùng từ mang nghĩa tương tự là “appropriate”. Việc này sẽ giúp các bạn nhạy bén hơn trong quá trình đọc bài.

Nếu nắm rõ đặc điểm của từng dạng câu hỏi, các bạn cũng có thể làm bài nhanh và chính xác hơn. Ví dụ các dạng câu hỏi thông thường đi theo trình tự bài đọc: True / False / Not given, Sentence completion, Short-answer questions… (mình nhấn mạnh là thông thường, không phải luôn luôn). Với các câu hỏi có trình tự này, mình có thể xử lý câu nào dễ tìm nhất, rồi định vị các câu còn lại.
Các dạng bài khó hơn (theo đánh giá của mình) là Matching headings, Multiple choice và Matching information. Trong bài này mình sẽ nói về Matching information, còn 2 dạng kia mình sẽ lên một bài riêng sau. Cho bạn nào chưa biết thì Matching information cho người đọc một danh sách các đáp án, và hỏi người đọc những đáp án này nằm trong đoạn văn nào. Số đáp án thường sẽ nhiều hơn số đoạn văn để làm rối người đọc. Khi gặp dạng bài này mình sẽ… không làm. Mình sẽ đi xử lý các dạng câu hỏi khác rồi lát quay lại dạng này sau hoặc sẽ giải các dạng khác song song với dạng này. Lý do là mình không biết đáp án sẽ nằm ở đầu, giữa hay cuối một đoạn văn, nên tìm sẽ khá mất thời gian. Ngoài ra, dạng bài matching này là không theo trình tự bài đọc, chưa kể đáp án còn được paraphrase khá khéo. Khi giải các dạng câu hỏi khác trước mình cũng nắm được thông tin của một số đoạn văn, rồi lát quay lại làm Matching information sẽ lợi hơn.
Mong bài này giúp ích cho các bạn nhé.
Hẹn gặp các bạn ở bài sau.”
Chia sẻ của thầy Hưng 8.5 overall (9.0 Reading) – Founder/Teacher of JaynguyenIELTS